#1 Rèn luyện thói quen tốt cho sức khỏe: Đúng giờ

thoi quen tot cho suc khoe dung gio

Hôm nay, tôi viết về phần có từ khóa là: nhịp sinh học, chu kỳ sinh học,… hay nói nôm na là: Đúng giờ. Đây là chuỗi bài viết nằm trong chuyên mục Love rèn luyện sức khỏe chủ động. Vừa là bài viết để tạo cảm hứng cho mọi người quan tâm đến sức khỏe hơn, đồng thời cũng cung cấp kiến thức và các cách để thực hiện

Ngủ đúng giờ và Thức đúng giờ

Tôi không nói về ngủ sớm và thức sớm. Cũng không nói nên thức khuya dậy sớm. Chúng ta nên ngủ cùng một giờ và thức cùng một giờ! Điều cần làm là như thế!

ngu dung gio va thuc dung gio
Ngủ đúng giờ và thức đúng giờ

Tôi đã rèn luyện ngủ cùng một giờ và thức cùng một giờ khoảng 2 năm nay. Thói quen tốt cho sức khỏe này giúp tôi dù có hơi ốm (gầy) nhưng năng lượng và sức mạnh vẫn đủ dùng.

Thật là may mắn khi các học viên của love rèn luyện sức khỏe chủ động đều được rèn luyện thói quen thức dậy trước 5 giờ! Hơn nửa năm nay!

Chúng ta rèn luyện ngủ và thức đúng giờ ngay từ khi còn trẻ chính là cách mà chúng ta giữ được chất lượng giấc ngủ của mình khi về già. Ai trong chúng ta muốn:

  • Vừa bước qua tuổi 50 bắt đầu mất ngủ.
  • Đêm ngủ không được ban ngày ngủ gà ngủ gật.
  • Và những triệu nhức đầu, rối loạn tiền đình, thiếu máu não,… thậm chí là chán ăn, và cơ thể hay mệt mỏi,… kể cả nóng tính và hay giận, buồn vô cớ,…

Chúng ta đâu ai muốn vậy đúng không? Nguồn gốc sâu xa trong đó chính là nhịp sinh học và giấc ngủ đấy thôi! Nếu chúng ta nghiêm túc trong giấc ngủ của mình thì xác suất những điều này xảy ra sẽ rất nhỏ!

Nhịp sinh học rất là quan trọng! Ngủ đúng giờ và thức đúng giờ giúp chúng ta giữa nhịp sinh học của mình được ổn định.

Thú thật, tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc khi mình có thể ngủ từ lúc 21h tối và thức dậy khoảng 3h30 sáng. Đây là điều tôi đã từng thực hành trong một thời gian. Hiện tại, lịch học và lịch hướng dẫn làm tôi không duy trì được thói quen này nữa. Tuy vậy tôi thu xếp lịch dạy của mình tốt hơn. Để có thể ngủ đúng giờ!

Và hạnh phúc hơn, tất cả học viên và những người bạn của tôi đều ủng hộ phần giấc ngủ này của tôi.

Hãy xây dựng thói quen tốt cho sức khỏe này ngay bây giờ. Dưới đây là những gợi ý

Cách ly với chiếc điện thoại để giữ nhịp sinh học

Đây là điều được khuyến cáo rất nhiều rồi. Chậm lại một nhịp, bạn có thể tự mình đưa ra 3 lý do không?

  • Ánh sáng xanh từ điện thoại làm tuyến tùng ngưng sản sinh Hocmon Melatonine làm chúng ta khó ngủ và trằn trọc
  • Đang thiu thiu ngủ thì tin nhắn cuộc gọi hay thông báo làm tỉnh giấc
  • Ảnh hưởng đến mắt làm thị lực giảm

Ở mức độ hành vi, chúng ta dùng điện thoại đồng nghĩ là cơ thể không được thư giãn và nghĩ ngơi thật sự. Khi xem điện thoại não bộ chúng ta vẫn hoạt động ngầm và ngốn “pin” một cách khủng khiếp!

Để cách ly với chiếc điện thoại rất dễ, tôi đã làm 3 điều sau:

  1. Để điện thoại ở chế độ yên lặng
  2. Ngắt wifi, 4g
  3. Đặt ở vị trí xa tầm với

Chỉ từng này thôi là đã có thể “tập trung” vào việc ngủ rồi!

Vệ sinh cá nhân trước lúc ngủ và sau lúc thức tạo thói quen tốt cho sức khỏe

Điều này tôi được Bà Ngoại dạy từ nhỏ, đến giờ vẫn còn duy trì. Tối trước lúc đi ngủ khoảng nửa tiếng thì cần rửa tay chân, đánh răng, rửa mặt,… Đây không phải đơn thuần là giữ vệ sinh cá nhân mà cũng là một nghi thức để cơ thể biết sắp đến giờ ngủ. Nếu quen dần thì tự nhiên đánh răng rửa mặt xong là cảm thấy buồn ngủ! Đây là phản xạ có điều kiện chứ chẳng lạ gì!

Thứ 2 nữa là lúc thức. Thời điểm thức dậy tốt nhất (đối với những ai ngủ sớm hơn 10 giờ tối) là từ 3h sáng – 5h sáng. Khi thức dậy, vệ sinh cá nhân là rửa mặt, súc miệng, đi tiểu,… Tuy vậy, phần “vệ sinh” mà tôi nhắc ở đây là xoa tay và xoa mặt để đánh thức cơ thể dậy.

Xoa hai bàn tay vào nhau giúp kích thích hơn 40,000 dây thần kinh ở lòng bàn tay, làm phổi ấm lên và đánh thức não bộ

Xoa hai bàn tay đều lên mặt giúp toàn bộ cơ thể được ấm lên và kích thích lưu thông khí huyết và tăng cường miễn dich. Những phần này chúng ta có thể tham khảo bộ môn Diện Chẩn.

Dùng đồng hồ báo thức để giúp canh đúng giờ

Tôi đặt chuông báo trước lúc mình ngủ 30 phút để nhắc nhở sắp đến giờ ngủ rồi. Giảm các suy nghĩ, lo lắng, hay các hoạt động lăng xăng khác. Giữ mình được thư giãn và tập các bài thư giãn nhẹ

Tôi đặt chuông báo điện thoại của mình trước giờ thức giấc chính thức 5 phút . Ví dụ tôi muốn thức lúc 4h30 thì tôi sẽ đặt 2 báo thức: chuông reo lúc 4h25 (để chuông reo và tự tắc trong 30s) và chuông reo lúc 4h30 (hồi chuông dài, hay bài hát). Tiếng chuông đầu tiên để cơ thể dần thức dậy trước. Không vội ngồi dậy, vẫn nằm đó và lắng nghe cơ thể mình, nhịp thở, nhịp tim và cử động nhẹ tay chân. Nhịp chuông thứ 2 là cơ thể đã sẵn sàng thức dậy và xuống giường.

Đồng hồ báo thức là cách tốt nhất tôi đang sử dụng cho nhiều việc: hẹn giờ học, giờ làm, giờ ăn… chứ không chỉ dùng để báo thức như bao người vẫn mặt định vậy.

Tôi cũng dùng điện thoại làm báo thức, cứ mỗi lần chuông rung lên là tôi biết mình cần hoàn thành việc mình đang làm và chuyển sang việc mới. Mọi thứ nhịp nhàng dần thành tự nhiên.

Ăn uống đúng giờ và Các bữa ăn

Ăn uống đúng giờ là cách để giữ nhịp sinh học chúng ta ổn định, đây cũng là thói quan tốt cho sức khỏe không thể bỏ qua.

Tôi cũng chú thích thêm là thời buổi hiện tại, các phương pháp ăn uống đã thay đổi rất nhiều! Có người loại bỏ hoàn toàn tinh bột, có người chỉ ăn rau hạt, có người nhịn ăn bảy ngày, có người chỉ ăn ba hạt gạo mỗi ngày,… Phương pháp ăn uống như nào là tùy mỗi người lựa chọn, nhưng phải cho mình có thời gian đều đặn.

Ở đây tôi lấy một phần ăn bình thường, tức là ngày 3 bửa: Sáng, Trưa, Chiều. Cách làm là:

Ăn đúng giờ, đúng lượng và không bỏ bữa.

  1. Với những người ăn bình thường, không nên bỏ bữa ăn sáng. Vì bụng đã rỗng gần 8 tiếng rồi. Nên ăn lưng bụng
  2. Với những người làm việc 9 giờ sáng – 5 giờ chiều bữa trưa cần ăn đủ no và uống đủ nước.
  3. Với bửa chiều thì nên ăn vừa phải và trước 7 giờ tối. Ăn quá trễ hay quá no làm cơ thể không được nghỉ ngơi và hại nhiều hơn lợi.

Và uống nữa! Nếu chúng ta có thói quen uống café vào buổi sáng thì hãy giữ nó đều đặn, Bữa uống bữa không uống cũng làm trạng thái chúng ta thay đổi. Nếu để ý kỹ sẽ thấy.

Nếu chúng ta hay uống trà chiều, tối thì hãy cứ giữ nó đều đặn. Nếu bạn thích uống một lon bia trước khi ngủ, tốt thôi, hãy cứ giữ nó! Chưa cần biết điều có có tốt không nhưng hãy cứ giữ nó đều đặn, đúng giờ

Ý nghĩa các bữa ăn uống là rất quan trọng. Nếu chúng ta có theo những pháp môn ăn uống đặc biệt nào đó thì cũng nên tìm hiểu thật kỹ và trú trọng giờ giấc. Tránh kiểu tính già hóa ra non, tính tốt hóa ra toàn hại.

Đúng giờ trong công việc, cuộc hẹn thói quen tốt cho sức khỏe&công việc

Hãy nhớ thói quen tốt cho sức khỏe là đúng giờ! Ăn ngủ đúng giờ đã quá tốt rồi. Nếu mà chúng ta đúng giờ trong cả công việc, cuộc hẹn thì càng tuyệt vời hơn nữa!

Hãy thử nhớ lại một cuộc trễ hẹn gần đây chúng ta sẽ cơ thể và tâm trí chúng ta sẽ như thế nào?

  • Hơi thở gấp gáp, nhịp tim tăng
  • Lái xe nhanh hơn, đi bộ nhanh hơn
  • Trong lòng lo lắng bồn chồn
  • Toát mồ hôi

Những điều này làm nhịp sinh học trong cơ thể trở nên rối loạn. Chính đều này cũng quyết định một phần chất lượng công việc và cuộc hẹn của chúng ta.

Khi làm việc với các quản lý, trưởng nhóm trong các phiên Coach họ đều đánh giá rất cao những ai đúng giờ trong công việc, cuộc hẹn. Tạo nhiều cơ hội hơn cho những nhân viên có kỷ luật bản thân. Đúng giờ không chỉ là thói quen tốt cho sức khỏe mà còn là thói quen tốt cho cả sự nghiệp của bạn nữa!

Cách tôi rèn luyện để mình đúng giờ

  • Cài chuông báo nhắc thời gian bắt đầu và kết thúc công việc
  • Bắt đầu và kết thúc trọn vẹn công việc của mình trong một khung thời gian cụ thể.
  • Đặt chuông trước 5p so với giờ phải hiện diện
  • Trừ hao thời gian những điều kiện ngoại cảnh: kẹt xe, sự cố mạng internet, lỗi máy tính,… các tác nhân ngoại cảnh bên ngoài.

Trạng thái tinh thần chúng ta sẽ tốt nhất khi chúng ta đúng giờ, thực hiện mọi thứ một cách nhịp nhàng, đều đặn.

Lời nhắn đến bạn đọc: bạn cần xây dựng thói quen tốt

Bạn hãy thực hành từng phần nhỏ trên đây, chỉ cần một thay đổi nhỏ và quan sát sự chuyển hóa của chính mình. Rồi những điều bạn cần làm sẽ được trực giác mách bảo!

Câu hỏi cho bạn là: Bạn muốn thực hành điều gì trước tiên?

Hỏi và đáp

Cứ việc gì cũng hẹn đồng hồ thì có máy móc và cứng nhắc quá không?

Nếu như việc gì cũng hẹn đồng hồ thì thật là máy móc và cứng nhắc quá. Nhưng ở giai đoạn rèn luyện chúng ta cần một chút máy móc. Lúc bắt đầu có thể hẹn cho giấc ngủ tôi. Sau đó hẹn thêm cho những khoản thời gian quan trọng. Dần quen rồi sẽ không thấy máy móc nữa

Chị đi làm về trễ, thường ăn tối sau 8 giờ không à Thầy, giờ thì làm sao?

Theo Chị, giờ thì làm sao? (…) Thì vẫn ăn thôi, nhưng không ăn quá no, không ăn thức ăn khó tiêu hóa như thịt cá. Và tùy công việc mà xếp lại ăn sớm hơn. Nghe Chị hỏi là Chí biết khoảng  sau 11h Chị mới ngủ được và sáng dậy sẽ thấy mệt mỏi ê ẩm. Bụng Chị lại hơi to nữa. Câu hỏi bây giờ là: Chị đã sẵn sàng để thay đổi, để đặt ưu tiên sức khỏe mình lên cao hơn chưa?

Kết luận nhịp sinh học của tiểu vũ trụ

Đúng giờ, nhịp sinh học,… hay gọi ra là hoạt động có quy luật. Hãy thử quan sát tự nhiên mà xem: Nước lớn nước ròng, mặt trời mọc và lặng, ngày trăng tròn, bốn mùa,… chẳng phải đều nhịp nhành và có chu kỳ hết cả sao? Mỗi chúng ta cũng là một tiểu vũ trụ, nên hãy xây dựng những chu kỳ phù hợp với hiện tại của mình để sức khỏe thể chất, tinh thần chúng ta ngày càng tốt lên hơn.

** ** ** Vui lòng đọc kỹ Bản Quyền – Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Blog.

** ** ** Nếu bạn thấy bài viết này nhiều ý nghĩa và giúp ích được bạn, hãy cân nhắc Ủng Hộ Sat Nam Coach

Sat Nam

Thiện Chí

1 thoughts on “#1 Rèn luyện thói quen tốt cho sức khỏe: Đúng giờ

  1. Pingback: #1 Khám phá love rèn luyện sức khỏe chủ động – Khởi hành

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *