Bài viết góc nhìn về sức khỏe được tôi tổng hợp và biên tập lại từ các bài đăng trên trang web cũ từ những năm 2018.
Sinh Lão Bệnh Tử chính là một vòng lặp từ bao lâu nay, mà không ai có thể thoát khỏi. Bệnh là một điều rất bình thường. Sức khỏe, hay sinh mệnh là một điều gì đó vô thường, một triệu khả năng điều có thể xảy ra.
Một góc nhìn của tôi về sức khỏe -Câu hỏi của tôi?
Nhưng mà chúng ta có để ý thứ tự của câu này không: Sinh – Lão – Bệnh – Tử
Bệnh tật ngày càng trẻ hóa. Tức là chưa già đã bệnh! Sinh – Bệnh – Chiến đấu với bệnh – và chết?
Có những người mới chưa được 30 tuổi, đã có những triệu chứng khó ngủ, đau dạ dày, nhức đầu,… Chưa kể những bệnh về tâm lý. Trong khi độ tuổi này là đang là độ tuổi năng lực và trí lực cao nhất, hoàn toàn khỏe mạnh và không có bệnh về mặt thể chất.
Có những người mới ngoài 40, cột sống đã thoái hóa nghiêm trọng, phải uống thuốc và điều trị đau nhức hằng ngày. Nói quá một chút là thuốc thay cơm… Trong khi độ tuổi này đang là độ tuổi hồi xuân, lẽ thường phải cảm nhận được sự thông thái minh mẫn, cảm nhận được nội lực bên trong.
Thậm chí, nếu sống lâu thì như nào?
Có những người mất năm 80 tuổi nhưng đã nằm giường bệnh từ năm 60 tuổi. 20 năm cuộc đời cứ thế mà trôi qua trong mệt mỏi, đau khổ, buông xuôi, cảm thấy sự vô dụng, phụ thuộc mà bất lực,… Câu hỏi của tôi là:
Tại sao người ta lại không thể đi hết một hành trình bình thường của cuộc đời mà phải ra đi quá sớm? Tạo sao những năm tháng tốt đẹp nhất của cuộc đời lại phải mệt mỏi để chiến đấu với các căn bệnh? Tại sao không thể khỏe mạnh đến đến những ngày cuối đời?
Ở đây, nhiều người nói với tôi rằng: Đó là số kiếp rồi! Đó là nhân quả rồi, vốn không thể thay đổi! Ở một mặt nào đó tôi chấp nhận điều này. Nhưng ở một mặt khác tôi tin rằng: Mỗi người, mỗi cơ thể đều có khả năng tự chữa lành; chúng ta có thể gieo những nhân duyên tốt để xoay chuyển định mệnh của mình.
Có lẽ chính vì tin vào điều này nên hành trình của tôi mới đến thời điểm hiện tại.
#1 Có bệnh thì phải trị bệnh. Trị thật sớm để sức khỏe có cơ hội phục hồi cao hơn
Ngay từ những ngày còn nhỏ, tôi đã nhìn thấy những người lớn tuổi xung quanh mình bệnh tật và ra đi. Mà nguyên nhân là không điều trị bệnh sớm và đúng phương pháp.
Tôi có một người Ông. Ông của tôi lúc đó có bệnh về Phổi – bệnh danh lúc đó tôi nghe là: Phổi bị ứ nước. Những dấu hiệu bệnh đã xuất hiện trước gần bảy năm với ngày Ông mất. Dù biết rằng bệnh sẽ diễn biến nghiêm trọng, nhưng trong thời gian đó thay vì bớt việc làm lại chuyên tâm điều trị phục hồi sức khỏe thì Ông cứ lướt qua, chịu đựng,… Lúc đầu Ông cũng uống thuốc, cùng điều trị Tây Y. Rồi sau đó là điều theo dân gian – có thuốc gì nghe hay điều uống – hiệu quả thì lúc có lúc không. Đến đoạn nặng hơn phải nằm viện điều trị, người ông ốm teo chỉ còn da bọc xương,… sau cùng thì bệnh viện trả về và rồi Ông cũng ra đi khi chưa đầy 60 tuổi.
Đó là chuyện của Ông tôi. Nhiều người trung niên, lớn tuổi ngày nay cũng vậy. Thường có tâm lý:
- Sợ mình khám bệnh sẽ ra bệnh. Nên trốn tránh khám bệnh. Sâu bên trong thì luôn có bất an, lo lắng nhưng tự lừa dối và phó thác cho ông trời.
- Khi khám ra bệnh thì hoàn toàn thụ động. Không quyết tâm bỏ bớt công việc để điều trị tận gốc bệnh.
Có bệnh là phải điều trị bệnh. Phải tìm đúng Thầy hay thuốc tốt. Chấp nhận ngừng làm việc fulltime một thời gian để điều trị tận gốc bệnh.
#2 Trân trọng cả Thảo Dược và Thuốc Tây vì chúng đều tốt cho sức khỏe
Tôi không phủ nhận những giá trị to lớn mà Tây Y mang lại cho chúng ta, chính nó đã có những tác dụng tốt, đã cứu sống được nhiều người. Tôi không quan niệm là “Tây Y chữa ngọn, Đông Y chữa gốc” điều này một mặt nào đó không đúng! Trong nhiều trường hợp, Tây Y vẫn vẫn chữa đứt gốc bệnh. Đông Y vẫn chỉ là xua đuổi ngọn bệnh.
Giai đoạn tôi học ngành Hóa học. Tôi hiểu hơn về cách tổng hợp thuốc, điều chế thuốc. Và tôi thấy khá là đáng sợ với hành trình này. Thuốc nào cũng vậy, hướng dẫn sử dụng thì chỉ một mặt giấy là đủ, nhưng chống chỉ định, tác dụng phụ,… thì chép tay đến ba mặt giấy. Mà khủng khiếp hơn nữa, đây chỉ là những loại thuốc thông thường thôi! Còn những thuốc đặc trị bệnh còn phức tạp hơn nữa! Ví dụ, chúng ta dễ thấy để cho thuốc giảm đau lưng thì phải thêm thuốc dạ dày để giảm tác dụng phụ.
Đồng thời, cũng trong quá trình học Đại học tôi tìm hiểu về dược liệu nhiều hơn và nhận ra những ưu điểm của dược liệu trong điều trị bệnh. Khả năng thần thánh của dược liệu chính là tính bản địa, phù hợp với từng địa phương vùng miền, tác dụng phụ ít. Nếu gặp được Người Thầy Thuốc tốt – y học thâm sâu có lúc thảo dược tác dụng còn nhanh và sâu hơn cả thuốc tây.
Với tôi, khi mà dẹp bớt đi những thành kiến thì thảo dược hay thuốc tây điều tốt cả! Bởi vì khi bỏ qua hết những thành kiến thứ còn lại chính là hiệu năng của thuốc và trí tuệ của người thầy thuốc, người bác sĩ. Chỉ cần hiệu quả là tốt là được, lý lẽ – lý luận – lý thuyết,… để bàn luận sau!
Trở lại, nếu chúng ta đang bệnh nặng, rất khó chịu thì có thể uống thuốc tây, có thể nhập viện điều trị cho nhanh giảm được triệu chứng sau đó dùng thảo dược để bồi dưỡng lại sức đề kháng của mình. Có lẽ đây mới gọi là thông minh.
Mỗi người chúng ta nên cân nhắc kết hợp các phương pháp để điều trị bệnh cho hiệu quả! Không vơ tất cả vào người: Thuốc gì cũng uống, ai nói gì cũng nghe, bao nhiều tiền cũng chịu. Cũng không nên cố chấp chỉ dùng một loại thảo dược để chữa bệnh.
Khi đã bệnh rồi chúng ta có nhiều lo sợ, thiếu sáng suốt nên cần tĩnh tâm mà nhìn rõ gốc vấn đề của mình. Từ đó tích cực điều trị. Giữ vững niềm tin sẽ khỏi bệnh.
#3 Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh – Một cách dùng thảo dược
Thú thật, tôi đã từng có giai đoạn tôn sùng thuốc nam. Bệnh gì cũng lấy thuốc nam ra để chữa. Thuốc nam chậm hiệu quả thì tôi chuyển sang thuốc Bắc. Hạn chế tối đa việc dùng Thuốc Tây.
Cho đến khi hành nghề y, va chạm thật sự thì tôi mới thấm thía câu: “Đoạn trường ai có qua cầu thì hay”.
Người ta vẫn truyền tai nhau: “Cây thuốc này rất quý, chữa bệnh viêm gan, máu nhiễm mỡ, hây lắm! Cây thuốc nọ rất quý, điều trị tai biến rất hay, nhiều người trị khỏi rồi” – Nhưng một sự kiểm chứng lại thì rất khó! Tôi thường hỏi lại 2 câu hỏi:
- Cô/Chú có dùng bài thuốc này chưa, và hiệu quả như nào?
- Ai là người hướng dẫn bài thuốc này cho cô/chú?
Thường thì họ đều nói chưa dùng, nghe người này người kia nói hay quá nên truyền tai nhau vậy, rủi mai sau có cần dùng thì có…vì sức khỏe quan trọng mà, cũng nên biết bài thuốc này kia,…
Tôi, khi chưa học thuốc rất thích cho lời khuyên về thuốc.
Tôi, khi học thuốc rồi thì tôi ít dùng thuốc, rất là cân nhắc khi hướng dẫn ai bất gì điều gì. Bản thân cũng chỉ thẩm thấu và dùng những toa thuốc căn bản để điều hòa cơ thể.
Cho đến một ngày tôi nhận ra: Đỉnh cao của thuốc nam là phòng bệnh là dưỡng sinh.
Tôi ngộ ra điều này khi tôi nộp bài luận tốt nghiệp. Đợt đó tôi đẽ chép lại câu chuyện về thần y Biển Thước.
Câu chuyện về Thầy y Biển Thước
Tôi tóm gọn câu chuyện như thế này:
“Thần y Biển Thước có hai người anh cũng theo ngành y.
Người anh cả y học thâm sâu, chỉ cần quan sát là biết người trước mặt sắp bệnh gì, cần cân bằng âm dương như nào,… Rồi ông hướng dẫn dưỡng sinh, thảo dược. Người ta được khỏe, không một triệu chứng nào xuất hiện. Họ thậm chí không biết chính người thầy thuốc kia đã cứu sống họ một mạng. Nhưng cũng không ai xem trọng ông!
Người anh hai y học thâm sâu, chỉ cần xem mạch đã biết người trước mặt bệnh gì, cần thuốc gì,… Rồi ông hướng dẫn thuốc, châm cứu. Bệnh vừa phát ra cảm ho nhẹ nhẹ là tự khỏi. Họ cũng hoàn toàn không biết chính họ vừa thoát khỏi cảnh thập tử nhất sinh! Tuy vậy, ông chỉ được người ta coi như Thầy lang ở vùng quê nhỏ.
Người em út là Thần y Biển Thước. Người sắp chết đưa đến ông, ông điều trị sống lại được. Kẻ bị trúng phong, người gãy xương, máu me, phải mổ gan ruột… ông đều trị khỏi được. Vì vậy mà tiếng tăm vang lừng cả thiên hạ. Nhưng tự ông nhận mình là người dở nhất! Bởi vì bệnh chữa có khỏi thì người bệnh cũng tổn thương chánh khí bảy tám phần và thường sống không thọ. Cách trị bệnh của hai người anh là bồi dưỡng chánh khí – đấy mới là đạo làm ngành y”
Vì nhổ một mầm mới nhú lúc nào cũng dễ dàng hơn là nhổ một cây lâu năm.
Gọn lại là thế! Dùng thảo dược để dưỡng sinh, điều hòa cơ thể nâng cao chánh khí đó chính các cách phòng bệnh cao thâm nhất. Theo tôi đây chính là đỉnh cao của thảo dược: trị bệnh từ khi bệnh chưa thành hình!
#4 Rèn luyện sức khỏe chủ động – Tu thân
Chỉ cần phòng bệnh, dùng thảo dược nâng cao chánh khí như vậy là tuyệt vời rồi! Tuy vậy, cái mà tôi chú ý đó là: Tôi vẫn còn tập trung vào bệnh!
Một hành trình dài là:
- Trị bệnh
- Trị bệnh bằng kết hợp
- Phòng bệnh
Câu hỏi là: Mục đích của tất cả những điều này là gì?
Là để chúng ta có sức khỏe! Là chúng ta đang hướng đến sức khỏe và tránh xa nỗi đau!
Luật vũ trụ: Tập trung vào điều gì thì điều đó sẽ đến
Nếu tập trung vào bệnh thì xác suất điều đến với chúng ta sẽ là bệnh!
Mà mục tiêu sau cùng của chúng ta là khỏe mạnh và bình an. Vậy tập trung vào sức khỏe thì điều đến với chúng ta sẽ là sức khỏe! Thay từ ngữ – đổi cuộc đời!
- Dùng thảo dược để dưỡng sinh – khỏe hơn
- Dùng thuốc kết hợp để lập lại quân bình – khỏe hơn
- Rèn luyện sức khỏe chủ động – khỏe hơn
Tôi ngộ ra điều này sau hai năm trực tiếp điều trị bằng y học cổ truyền. Châm cứu và bấm huyệt thật là tuyệt vời giúp giảm nhanh được cảm giác đau chỉ sau một vài lần điều trị. Nhưng mà theo thời gian người ta vẫn than đau lại. Đây là lúc tôi biết mỗi người cần chủ động luyện tập sức khỏe hơn để hiệu quả điều trị được kéo dài và không phụ thuộc vào Thầy thuốc. Hướng đến sức khỏe là chúng ta chủ động hoàn toàn! Chủ động luyện tập để khỏe hơn!
Hiện tại tôi đã có câu trả lời cho 3 câu hỏi của chính mình.
Tại sao người ta lại không thể đi hết một hành trình bình thường của cuộc đời mà phải ra đi quá sớm? Tạo sao những năm tháng tốt đẹp nhất của cuộc đời lại phải mệt mỏi để chiến đấu với các căn bệnh? Tại sao không thể khỏe mạnh đến đến những ngày cuối đời?
→ Câu trả lời cho tất cả đó chính là SỰ RÈN LUYỆN CHỦ ĐỘNG – CHỦ ĐỘNG GIEO NHỮNG NHÂN DUYÊN TỐT HƯỚNG ĐẾN SỨC KHỎE – PHẢI TẬN NHÂN LỰC TRI THIÊN MỆNH”
Nhìn vào sự thật, chúng ta ai mà chẳng biết luyện tập thể dục yoga sẽ khỏe hơn, ăn uống hợp lý sẽ khỏe hơn, lao động vừa sức sẽ khỏe hơn và kéo dài tuổi thọ. Thế tạo sao chúng ta biết mà không làm, biết mà vẫn phạm? Phải chăng cái biết này chỉ trên bề nổi thôi, và chúng ta đã không đủ sự CHỦ ĐỘNG để RÈN LUYỆN? Hay chúng ta coi rẻ sức khỏe của chính mình?
Hãy quan sát những người xung quanh, những người nằm viện để khẳng định với chính mình rằng: Sức khóe khỏe là một điều rất quý giá. Cần đặt ưu tiên lớn cao hơn cho sức khỏe!
Chủ động rèn luyện sức khỏe của mình chính là Tu thân:
Điều gì tốt cho cơ thể thì gắng làm, điều gì xấu thì gắng loại bỏ. Lấy sức khỏe đặt lên ưu tiên cao hơn. Và chỉ đơn giản như vậy thôi!
Tôi mong các bạn hữu duyên đọc đến đây có thể suy ngẫm và chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Lời kết – Sức khỏe cũng là một sự lựa chọn
Những mindset về sức khỏe của tôi thay đổi theo thời gian. Tuy vậy, sự thay đổi không hẳn là phủ nhận hoàn toàn cái đã có trước đó mà chính là sự khẳng định, sự bổ sung để tôi có thể nhìn thấy bức tranh lớn hơn.
Chúng ta tôn trọng quy luật tự nhiên: Sinh – Lão – Bệnh – Tử và cho mình sự chủ động rèn luyện để có thể trải qua vòng tròn nhân sinh này. Bởi cuộc đời của chúng ta đâu chỉ sinh ra để già, đâu phải đợi già để bệnh, đâu phải chiến đấu với bệnh để rồi chết đi! Chúng ta có nhiều hành trình hơn như thế và mỗi hành trình đều cần một nguồn tài nguyên là sức khỏe của chính bạn! Hãy để sức khỏe là điểm tựa của chúng ta để trải nghiệm cuộc sống này
Sat Nam
Thiện Chí
** ** ** Vui lòng đọc kỹ Bản Quyền – Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Blog.
** ** ** Nếu bạn thấy bài viết này nhiều ý nghĩa và giúp ích được bạn, hãy cân nhắc Ủng Hộ Sat Nam Coach