1 phép thở: luyện hơi thở bụng đúng giúp tăng cường sức khỏe

Luyen tap hoi tho bung giup tang cuong suc khoe

Luyện hơi thở bụng đúng là nội dung buổi 1 khóa luyện sinh khí và thiền. Trong khóa học chúng ta lấy hơi thở làm gốc và tối ưu hơi thở mình để giải quyết các vấn đề về cơ thể và tâm trí.

Luyện hơi thở bụng là bước đầu để chúng ta rèn luyện sức khỏe mình một cách chủ động, không tốn kém nhưng hiệu quả cao.

 

Tại sao chúng ta cần luyện thở?

Chúng ta đến với luyện thở vì những lợi ích của nó dễ thấy của nó:

  • Sức khỏe cải thiện tốt hơn
  • Giấc ngủ sâu hơn
  • Điều chỉnh cảm xúc được tốt hơn
  • Cải thiện triệu chứng nhức đầu. Căng thẳng thần kinh.
  • Có hơi thở sâu và dài. Thở đúng cách
  • Hít thở để ốm đi và hít thở để tăng cân lên.

Chí xem phần luyện thở này như một phần để mỗi người tự rèn luyện sức khỏe chủ động cho chính mình. Dành thời gian cho chính mình để đạt được sự tĩnh tâm và bước đầu làm chủ tâm trí.

Có rất nhiều lợi ích khác từ luyện hơi thở bụng, nhưng Chí muốn chúng ta tự mình trải nghiệm và thấy được trong quá trình luyện tập.

Vai trò của sinh khí?

Những vấn đề về sức khỏe là do sinh khí và năng lượng mất đi. Nếu chúng ta không  có thời gian để tái tạo lại thì dần cơ thể nặng nề, khi huyết kém lưu thông. Theo thời gian làm xuất hiện những triệu chứng: khó ngủ, nhức đầu, mất tập trung, người uể oải khi ngủ dậy,..

Theo Đông Y, cơ thể chúng ta là sự Cân bằng hài hòa Âm Dương. Trong đó Khí là dương, Huyết là âm. Luyện sinh khí giúp chúng ta cân bằng âm dương cơ thể từ đó có một sức khỏe tráng kiện. Luyện sinh khí giúp chúng ta làm chủ được 50% cơ thể của chính mình rồi!

Điều rất quan trọng trong mọi khóa học cùng Chí

Học không phải chỉ để biết, học để thực hành, luyện tập và phát triển bản thân mình đến khi đạt được kết quả.

Chúng ta ai cũng biết thở. Sau vài buổi học đều nắm được các nguyên tắc và cách luyện thở. Phần còn lại là thực hành. 99% là thực hành. Nếu chúng ta ngồi thảo luận về hơi thở, hiểu về những nguyên tắc nguyên lý, biến đổi sinh hóa,… nhưng không luyện tập thì chẳng có một kết quả nào diễn ra cả.

Như chị Hằng – đã có chia sẻ: “Thấy người Chị của mình học lớp của Thầy xong thì sức khỏe tốt lên, sắc diện cũng đẹp hơn. Chị thấy có kết quả thật sự nên Chị cũng muốn vậy.”

Nhưng điều chúng ta cần hiểu ngầm là: Người Chị này không phải tham gia khóa học trong một vài ngày mà sức khỏe tốt lên. Mà Chị ấy đã lựa chọn đồng hành cùng Chí để rèn luyện những gì đã học mỗi ngày trong hơn 06 tháng và vẫn tiếp tục rèn luyện để chăm sóc sức khỏe chủ động!

Hơi thở tự nhiên của chúng ta như thế nào?

Chúng ta trở về quan sát hơi thở của các bạn nhỏ, các em bé. Chúng ta dễ dàng thấy được đứa bé thở bằng bụng: Hít vào bụng căng lên và Thở ra bụng xẹp xuống nhịp nhàng. Đây chính là hơi thở bụng tự nhiên của đứa trẻ

Nếu quan sát kỹ hơn nữa chúng ta sẽ thấy ngoài bụng chuyển động thì phần ngực và vai cũng đồng thời chuyển động.  Theo thứ tự: bụng căng lên, lồng ngực nâng lên, vai nâng lên. Và khi thở ra hạ vài, hạ ngực và bụng xẹp vào.

Mọi sự chuyển động này tự nhiên hoàn toàn. Rất êm chậm đều và sâu!

Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao hơi thở của người trưởng thành lại thở nông? Thở ngực mà không thở bụng hay thở toàn phần?

Chí đã hỏi rất nhiều những người Thầy của mình và những người có chuyên môn. Đúc kết lại:

  • Từ một đứa trẻ ngày càng lớn lên thì những suy nghĩ về cuộc sống, vui buồn mừng giận làm hơi thở bị xáo động và không còn thở sâu.
  • Tư thế lao động, tư thế ngồi không đúng làm lồng ngực bị hẹp, gù lưng, cong vẹo cuộc sống ảnh hưởng đến hơi thở.
  • Áp lực cuộc sống đè nặng lên vai, những căng thẳng cùng với sự chuyển động nhanh chóng của xã hội làm hơi thở nông đi.

Thực tế, ai ai cũng biết tầm quan trọng của hơi thở đúng nhưng hiếm người thực hành, cho đến khi có một sự cố về sức khỏe hoặc mối quan tâm đủ lớn họ mới bắt đầu luyện tập.

Và chúng ta có thể bắt đầu luyện tập hơi thở bụng trước vì đã có những nghiên cứu khoa học và những kết quả đã được chứng minh.

Phương pháp luyện hơi thở bụng và Bài Thơ của Bác Sĩ Nguyễn Khắc Viện

Hơi thở bụng trở nên nổi tiếng và với kết quả đã được kiểm chứng là nhờ Bác Sĩ Nguyễn Khắc Viện.

“Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, sinh năm 1913 tại Hà Tĩnh. Ông từng học Đại học Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp tu nghiệp. Năm 1941, ông tốt nghiệp bác sĩ chuyên ngành Nhi khoa. Năm 1942, ông bị lao phổi nặng, điều trị ở bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble.

Thời đó bệnh lao chưa có thuốc chữa như bây giờ. Các bác sĩ Pháp bảo ông chỉ có thể sống chừng hai năm nữa thôi. Trong thời gian nằm chờ chết, ông đã tìm ra một phương pháp… thở để tự chữa bệnh cho mình, và kết quả là ông đã sống đến tuổi 85 mới mất (1997), nghĩa là sống thêm được 50 năm nữa. Ông đã hoạt động tích cực trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị xã hội đến văn hóa giáo dục và để lại cho hậu thế nhiều cuốn sách, bài báo có giá trị.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện từng nói sau này ông mất đi, điều quan trọng ông để lại không phải là những tác phẩm văn học, triết học hay hàng ngàn trang viết trên các báo mà chính là bài vè dạy thở chỉ với 12 câu. Ông mong muốn lưu truyền cho mọi người biết…

Hơi thở bụng này có thể giúp Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sống thêm 50 năm chỉ với 2/3 của một lá phổi. Bài vè rất hay đây:

“Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Mặt Phật ung dung
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Êm, chậm, sâu, đều
Ðứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được.”

Và đây là sự lựa chọn cho chúng ta: Chúng ta sẽ thực hành theo phép thở của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện để có một hệ hô hấp tốt hay chúng ta chỉ biết và để đó?

Luyen

Hướng dẫn luyện thở bụng

Chúng ta thực hành theo phần chúng ta hiểu về bài vè của Bác sĩ là rất tốt rồi. Chí cũng có nhiều hướng dẫn thở bụng, mọi người có thể tập theo.

Luyện tập hơi thở bụng phục hồi dung tích phổi

1. Hít vào bụng Căng Lên – Thở ra bụng xẹp xuống, hóp sâu bụng vào đẩy hết hơi ra ngoài

2. Duy trì hơi thở ra gấp đôi hơi hít vào

3. Kết hợp với sự nín thở (ngưng thở) – phần này chúng ta sẽ luyện tập sau.

Cảm nhận sự chuyển động nhịp nhành của bụng. Hãy nhớ hơi thở bụng đúng là hơi thở không gắng mọi thứ có khó khăn ban đầu nhưng dần sẽ nhẹ nhàng, trôi chảy.

Luyện hơi thở bụng để có giấc ngủ ngon

Vẫn thực hiện hơi thở bụng nhưng là trước khi ngủ. Có thể thực hiện ở tư thế nằm. Dần dần hơi thở bụng trở thành hơi thở tự nhiên của chúng ta. Khi hít thở bụng tự chuyển động mà không cần chúng ta quá nỗ lực.

Câu hỏi và chia sẻ về luyện hơi thở bụng

Ngồi thở tê chân

Chúng ta lựa chọn phần tư thế ngồi thật thoải mái. Có thể ngồi trên ghế theo cách Chí đã hướng dẫn. Khi chân tê chúng ta có thể thay đổi tư thế, thư giãn chân để bớt tê sau đó lại chú tâm vào hơi thở. Và cần luyện tập thêm các bài tập cho chân để lưu thông máu tốt hơn.

Khi luyện hơi thở bụng không hóp sâu được bụng

Thời gian đầu điều này là bình thường. Chúng ta tập dần theo khả năng, không cố gắng hóp sâu quá sức. Hãy nhớ giữ mình ung dung thoải mái.

Hít vào bụng không căng lên nổi

Chúng ta thở ra cho hết hơi, hóp bụng vào sâu tối đa theo khả năng. Theo thời gian hơi thở ra trọn vẹn thì hơi hít vào bụng sẽ dễ dàng căng lên.

Luyện hơi thở bụng một lúc cảm thấy người nóng lên?

Chúng ta luyện thở làm người nóng lên, bụng đói, đổ mồ hôi,… là những phần bình thường dấu hiệu cơ thể được luyện tập và thanh lọc.

Ăn uống trước khi thở

Chúng ta nên để bụng trống ít nhất ½ trước khi luyện thở để tránh khi thở ợ hơi. Nếu buổi tối nên ăn nhẹ cách đó 1,5 giờ. Tuy nhiên nếu ăn không tiêu đầy hơi thì có thể thực hiện thở (hóp bụng theo khả năng) để lưu thông khí ở bụng. Sau khi luyện thở chúng ta có thể ăn nhiều, giúp ăn ngon nếu là buổi sáng. Nếu buổi tối thì hạn chế các thực phẩm khó tiêu như thịt cá. Ưu tiên nước ép và trái cây.

Luyện tập hơi thở bụng bao lâu thì có kết quả?

Bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi này chưa? Chí nghĩ chúng ta đã có câu trả lời rồi. Đó là tùy người, tùy mức độ luyện tập. Khi tham gia lớp luyện sinh khí chúng ta kéo dài 30 ngày vừa tập có hướng dẫn vừa tự tập. Hãy cảm nhận dần sự thay đổi trên cơ thể mình. Tất cả còn tùy thuộc chúng ta mong muốn kết quả gì? Có những kết quả ngay từ buổi đầu tập hơi thở bụng đã có, để trở thành thói quen cần 40 ngày, để cảm nhận hiệu quả rõ hơn cần 100 ngày,… Tất cả kết quả chúng ta sẽ nhận được tương xứng với sự luyện tập của mình. Hãy nhớ chúng ta dùng cả đời để hít thở.

Luyện hơi thở bụng giúp chúng ta tăng cường sức khỏe và làm chủ tâm trí. Hơi thở bụng là hơi thở giúp chúng ta trở về với chính mình! Hãy kiên trì luyện tập các bạn nhé! Hãy theo dõi Sat Nam Coach và Chí để khi có khóa học Thở Thiền Chí sẽ thông báo đến với chúng ta.

SAT NAM

THIỆN CHÍ

** ** ** Nếu bạn thấy bài viết này nhiều ý nghĩa và giúp ích được bạn, hãy cân nhắc Ủng Hộ Sat Nam Coach

** ** ** Vui lòng đọc kỹ Bản Quyền – Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Blog

1 thoughts on “1 phép thở: luyện hơi thở bụng đúng giúp tăng cường sức khỏe

  1. Pingback: Love luyện hơi thở: Hành trình kết nối với hơi thở (p1)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *